Tất cả các loại trà đều cùng nguồn gốc
Chúng ta thường nhầm lẫn các loại trà xanh, trà trắng, trà đen hay trà đỏ (còn gọi là trà Ô Long) là từ nhiều giống trà riêng biệt. Nhưng kỳ thật, tất cả đều “cùng một mẹ”. Cây trà (hay còn gọi là cây chè) có tên khoa học là Camellia Sinensis, thuộc họ chè Theaceae. Cây trà Camellia có nguồn gốc ở Đông Nam Á nhưng ngày nay được trồng phổ biến nhiều nơi trên thế giới. Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka và Kenya hiện là những nước trồng trà nhiều nhất. Tại Việt Nam, cây trà (chè) được trồng nhiều nhất ở Thái Nguyên, Yên Bái, Lâm Đồng.
Các loại trà phổ biến hiện nay bao gồm trà xanh, trà trắng, trà đen và trà đỏ (Ô Long). Do mức độ ôxy hóa khác nhau (quá trình lên men khác nhau) và chế biến sẽ tạo nên những hương vị và tác dụng khác nhau, tương ứng với các tên gọi phổ biến như trên.
Trà xanh hay còn gọi là lục trà, là loại nguyên thủy. Sau khi hấp, trà được sấy khô và không lên men. Trong khi đó, trà trắng, tên gọi khác là bạch trà, lại được hấp ngay sau khi hái rồi sấy khô để chống lại sự lên men. Vì vậy, bạch trà được xem là loại thuần khiết nhất. Điểm nổi bật của bạch trà là khi pha nước, trà vẫn có màu trắng nên được gọi là bạch trà. Hồng trà, chính là trà đen được ưa chuộng ở phương Tây, lại được lên men hoàn toàn trước khi sấy khô.
Trong những loại trà kể trên, trà đỏ (trà Ô long) đứng riêng biệt, tạo nên một điểm nhấn thú vị với quy trình bán lên men, tức lên men không hoàn toàn. Chính sự lên men “nửa mùa” cộng với độ khéo léo, chuẩn xác của quy trình chế biến khác nhau sẽ cho ra nhiều chủng trà Ô Long đa dạng có hương vị độc đáo và tinh túy.
Quy trình sản xuất tinh tế của trà Ô Long
Để đạt được sự thơm ngon, thuần khiết nhất định, trà Ô Long phải bảo đảm tiêu chuẩn chế biến cơ bản như các loại trà khác: trồng ở những vùng có điều kiện tự nhiên ưu đãi, được tuyển chọn từ những búp trà non, tươi ngon, được thu hoạch thủ công bằng tay theo nguyên tắc một búp và hai lá trên một nhánh trà. Sau khi thu hoạch, lá trà được phơi và lên men theo mức độ khác nhau sẽ cho ra nhiều loại trà Ô Long. Cụ thể: Lên men mức độ nhẹ (từ 10%-20%) sẽ tạo nên trà Bao Chủng (Pouchong tea) và trà này thường được ướp với hoa lài. Lên men mức độ trung bình (từ 20%-50%) là quy trình chế biến của trà Ô Long Đài Loan, trà Thiết Quan Âm (cũng là một dạng của trà Ô Long). Lên men mức độ cao (từ 50%-80%) sẽ cho ra một loại trà với tên gọi rất mỹ miều – Ô Long Sâm -panh (Champagne Oloong).
Như vậy, cũng từ một nguồn gốc là cây trà Camellia nhưng dựa vào sự chăm sóc và chế biến (lên men) khác nhau đòi hỏi nhiều công phu của người chế biến thì sẽ cho ra sản phẩm trà Ô Long hay các loại trà xanh, trà trắng, trà đen. Có lẽ vì vậy, để thưởng thức hết sự tinh túy của các loại trà, cũng cần người dùng có một nghệ thuật thưởng thức riêng.
Món quà cho sức khỏe
Quy trình lên men độc đáo để tạo ra sản phẩm trà Ô Long không làm mất đi các giá trị dinh dưỡng vốn có của cây trà mà ngược lại, còn mang đến những giá trị cộng thêm bất ngờ cho sức khỏe người dùng. Ngoài việc được xem là bạn tốt của những người muốn giảm cân, trà Ô Long còn có các tác dụng giảm nguy cơ bệnh ung thư, sâu răng, loãng xương và các bệnh về tim mạch. Trà Ô Long cũng được dùng để hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường, giảm nồng độ cholesterol, dị ứng da và tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Là món quà thiên nhiên tuyệt vời cộng với sự sáng tạo tinh tế của con người, trà Ô Long không chỉ trở thành một đặc sản trong văn hóa thưởng thức của người dùng mà còn mang lại nhiều giá trị quý báu cho sức khỏe.
Xuất phát từ niềm đam mê và khao khát mang đến cho người tiêu dùng những búp trà chất lượng tốt và bảo vệ sức khỏe đã trở thành động lực và lý do để Phước Lạc ra đời, như một nỗ lực chung tay đưa ra ” Giải pháp bảo vệ sức khỏe của cộng đồng,” nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng được thưởng thức hương vị trà oolong và cải thiện sức khỏe từ những sản phẩm có nguồn gốc từ trà oolong.